Việt Nam quyết thắng đại dịch

Sài Gòn những ngày giữa tháng 2/2020, tiết trời nắng nóng ngột ngạt. Cái nắng càng thêm oi bức trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành phức tạp. Bệnh viện dã chiến đã được thành lập. Người người ra đường với khẩu trang kín mít. Nhưng hãy thử chạy xe một vòng quanh thành phố, bạn sẽ thấy những câu chuyện bé nhỏ mà đầy tình nghĩa: Những điểm giải cứu dưa hấu giúp bà con Gia Lai vì dịch không thể xuất khẩu; những bạn trẻ đêm đêm tới ngã tư đường, bệnh viện, nơi đông người để phát tặng khẩu trang miễn phí; những người lặn lội quãng đường xa xôi tới Trung tâm Hiến máu nhân đạo, Nhà văn hóa Thanh niên để hiến máu… Các biện pháp phòng, chống dịch được cả nước thực hiện. Chỉ thị cách ly xã hội được người dân ủng hộ và chấp hành. Người lao động vì ảnh hưởng của dịch mà cuộc sống trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Lúc này, tấm lòng thơm thảo của người Sài Gòn lại lan tỏa mạnh mẽ. Những điểm phát quà miễn phí, những cây ATM gạo, những quán cơm từ thiện mọc lên ngày càng nhiều để giúp đỡ người lao động nghèo giữa mùa dịch COVID-19. Đầu tháng 4, lực lượng công an, quân đội, y tế và các đơn vị liên quan của TP.HCM lập nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19, kiểm soát y tế tất cả người đi vào TP để phòng, chống dịch. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên y tế căng mình làm công việc xét nghiệm COVID-19 cho tất cả hành khách đến TP.HCM. Sau ngày 22-4, TP.HCM được nới lỏng cách ly xã hội nhưng vẫn thực hiện các biện pháp phòng, chóng dịch. Tính đến nay, 6 giờ ngày 27-5, Việt Nam có 327 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong. Đã 41 ngày Việt Nam không phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. 278 bệnh nhân đã được chữa khỏi, tương ứng với tỷ lệ khỏi bệnh đạt 85%. Hiện còn 49 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đó là những nỗ lực không mệt mỏi suốt ba tháng liền của cả hệ thống chính trị và người dân TP và cả nước trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

MÔ TẢ NỘI DUNG CÁC ẢNH:

Ảnh 1-2: Hàng trăm người tới điểm phát tặng dưa tại số 418 Trần Phú (phường 7, quận 5, TP.HCM) để xếp hàng chờ đợi. Thông báo ghi rõ mỗi người được nhận hai quả. Cứ nghĩ nhận xong rồi về. Nhưng điều bất ngờ là chẳng ai bảo ai, nhiều người tự nguyện cầm thêm tiền gửi nhóm phát dưa để họ có vốn quay vòng trở lại mua dưa giúp bà con.

Ảnh 3-4: Các thành viên nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn bỏ tiền túi phát khẩu trang và nước rửa tay cho người dân.

Ảnh 5: Bạn trẻ phát khẩu trang miễn phí cho du khách khi họ đến tham quan TP.HCM trong thời điểm dịch.

Ảnh 6: Hưởng ứng việc phòng, chống dịch, các hàng quán ở TP.HCM chỉ bán mang về và thực hiện giữ khoảng cách 2m khi mua bán.

7: Quán cơm chay nằm ở 49 Ngô Quyền (phường 6, quận 10), mỗi ngày từng lượt người tìm đến quán để được nhận sự giúp đỡ trong mùa dịch bệnh.

Ảnh 8: Nhóm của chị Lê Nguyệt Hương (213 Trần Bình Trọng, quận 5) chuẩn bị quà phát tặng những người khó khăn vì dịch COVID-19.

Ảnh 9: Các mạnh thường quân tìm đến góp tiền cho các quán cơm thiện nguyện để họ phát cơm miễn phí cho người dân nghèo.

Ảnh 10: Đầu tháng 4, chiếc máy phát gạo tự động đầu tiên được anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PHGLock và các cộng sự chế tạo ra để giúp các hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh. Mỗi người đến sẽ nhận được 1,5 kg gạo/lần/ngày và yêu cầu phải xếp hàng giữ khoảng cách 2m.

Ảnh 11: Mạnh thường quân từ khắp nơi tìm đến cây ATM gạo để góp gạo phát cho người nghèo.

Ảnh 12: Siêu thị giá 0 đồng đặt trong chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP.HCM) để hỗ trợ người khó khăn trong mùa dịch.

Ảnh 13: Dòng tin nhắn thông báo của anh Nguyễn Văn Thuấn (chủ nhà trọ ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP.HCM) gửi cho những người thuê nhà trong mùa dịch.

Ảnh 14: Anh Trần Ngọc Ân (quận Bình Thạnh, TP.HCM), Trưởng nhóm thiện nguyện Xuân Yêu Thương cùng với các thành viên trong nhóm bắt tay vào làm những chiếc mặt nạ chống giọt bắn để gửi tặng y, bác sĩ tại các bệnh viện.

Ảnh 15: Biết tin lượng máu ở các bệnh viên đang khan hiếm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các bạn trẻ từ khắp nơi ở TP.HCM tìm đến Nhà văn hóa thanh niên (quận 1, TP.HCM) để hiến máu trong mùa dịch.

Ảnh 16: Diễn tập đón công dân từ nước ngoài về khu cách ly tại điểm cầu Sư đoàn 317 (huyện Hóc Môn, TP.HCM).

Ảnh 17: Chiều 5-4, hàng trăm phương tiện di chuyển trên cầu Đồng Nai hướng về TP.HCM được lực lượng chức năng phân luồng, kiểm tra thân nhiệt.

Ảnh 18: Nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ đang gọi điện cho trung tâm y tế gần nhất về một trường hợp có nhiệt độ cao được phát hiện khi đi qua chốt kiểm dịch ở chân cầu Đồng Nai.

Ảnh 19: Tất cả hành khách từ các địa phương đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đều phải khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Ảnh 20: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với hành khách đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Ảnh 21: Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín mít làm việc hết công suất để kiểm soát dịch COVID-19 ở TP.HCM.

Ảnh 22: Anh Hoàng Trùng Dương (Trung tâm Y tế quận 1) tranh thủ chợp mắt trong lúc vắng hành khách xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Ảnh 23: Các nhân viên y tế, quân đội trong trang phục bảo hộ hằng ngày phục vụ các bệnh nhân trong khu cách ly.

Ảnh 24: Khẩu hiệu "Việt Nam quyết thắng đại dịch" đặt trước một trung tâm thương mại ở quận 1, TP.HCM. Đến thời điểm này, cả nước đã bước sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế.

Việt Nam quyết thắng đại dịch
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Việt Nam quyết thắng đại dịch

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0243.856.6777
0.23590 sec| 2748.078 kb